Vùng Tây Bắc nói chung và Lào Cai nói riêng nổi tiếng cả nước với nhiều đặc sản như thịt trâu gác bếp, thắng cố ngựa Bắc Hà, lợn cắp nách, Tương ớt Mường Khương, rượu táo mèo,… Tuy nhiên, trong những ngày tết, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến món lạp sườn hun khói với hương vị đặc biệt và mức độ phổ biến trong mâm cỗ mỗi nhà của người vùng cao.

Nguyên liệu chính để làm nên món lạp sườn hun khói là thịt lợn và lòng non. Ngon, chuẩn vị vùng cao nhất là dùng thịt lợn đen nuôi ở bản để chế biến. Thịt lợn phải lựa chọn những phần ngon nhất của con lợn, thịt vai hoặc thịt mông có độ nạc và mỡ đều nhau. Nếu nhiều thịt nạc quá lạp sườn sẽ bị khô, nhiều mỡ quá thì gây ngán, không ngon.

Thịt được thái nhỏ, băm hạt lựu và ướp với các loại gia vị: mắc khén rang giã nhỏ, tỏi xay nhuyễn, nước gừng, muối, rượu trắng, mật ong chờ cho thấm đều. Chất lượng món ăn quyết định ở cách phối trộn, nêm gia vị vừa đủ. Nếu cho nhiều gia vị, lạp sườn sẽ bị hắc. 

Sau đó, thịt được nhồi vào lòng non đã làm sạch. Thịt nhồi phải thật chật, cho miếng lạp sườn tròn đều, căng bóng. Lấy dây buộc chia lạp sườn thành những đoạn 20 -30cm.

Hoàn thành công đoạn trên, người làm mang lạp sườn đi hong phơi nắng gió ngoài trời trong khoảng 3-4 ngày rồi mới treo lên gác bếp. 

Lạp sườn hun trên khói bếp

Những ngày sau đó, trong bếp lúc nào cũng phải giữ đỏ lửa than, chất thêm vỏ bã mía cho lạp sườn được hun ám mùi khói thơm ngọt. Hong đến khi vỏ và thịt miếng lạp sườn khô săn lại và ngả sang màu đỏ đậm xen lẫn với những đường vân vàng óng của thịt mỡ là được. Nếu cứ treo trên gác bếp, lạp sườn có thể bảo quản được quanh năm.

Linh hồn của món ăn này chính là hạt mắc khén rừng. Mắc khén rang có mùi thơm rất nồng nàn, kích thích vị giác và thơm mạnh hơn cả hạt tiêu. Nếu thiếu đi thứ gia vị này thì không thể tạo nên hương vị khác biệt của lạp sườn Tây Bắc so với các loại lạp sườn nơi khác.

Ngoài hạt mắc khén thì còn có các loại gia vị đặc trưng của vùng núi cao như gừng, hạt dổi và công sức mà người làm bỏ ra để canh lửa, hun khói cho món ăn đẹp về hình thức lại đủ ngon, vừa tầm.

Lạp sườn chuẩn vị khi ăn sẽ thấy vị mặn đậm đà của muối, vị chua thanh thanh do lên men tự nhiên từ quá trình hong sấy, mùi thơm nồng nàn của rượu và hạt mắc khén. Tất cả hài hòa, tròn vị đặc trưng không cần thêm bớt. 

Hương vị thơm ngon của lạp sườn khiến thực khách nhớ mãi

Bật mí cách thưởng thức lạp sườn đúng chuẩn Tây Bắc:

Cách thưởng thức lạp sườn đơn giản nhất là chấm cùng Chẩm Chéo. Đây là nước chấm đặc biệt của đồng bào Tây Bắc, được làm từ các gia ớt khô, mắc khén, tỏi, rau thơm, sả, hạt dổi, cá cơm và muối, bột ngọt. Đầu tiên ớt và tỏi sẽ được mang đi nướng cho dậy mùi, sau đó được trộn và giã nhuyễn cùng các gia vị còn lại.

Miếng lạp sườn mềm dai nhẹ, chấm cùng một chút Chẩm Chéo vị cay tê hòa quyện cùng vị ngọt của thịt, sau đó nhấp một ngụm rượu/bia thì còn gì hạnh phúc hơn, một cái hạnh phúc rất Tây Bắc và dân dã.

Chẩm chéo và lạp sườn là sự kết hợp tuyệt vời

Ngoài ra nếu là tín đồ ăn cay thì Tương ớt Mường Khương sẽ là trải nghiệm vô cùng thú vị dành cho bạn. 

Đây là loại tương ớt được làm từ ớt tươi Mường Khương, thứ ớt cho quả nhỏ xíu xiu nhưng vị cay thì không chê vào đâu được. Miếng lạp sườn nồng đậm mùi khói, nồng nồng vị mắc khén, chấm cùng tương ớt Mường Khương cay tê đầu lưỡi sẽ sẽ để lại hương vị khó quên cho bạn.

Đầu lưỡi vừa chạm là đã thấy ngay mọi hương vị như “khiêu vũ” trong khoang miệng. Để rồi, miệng ta thì phải xuýt xoa vì vị cay, vị nồng của lạp sườn nhưng tay thì sẽ không ngừng lấy thêm miếng nữa chấm thật đẫm vào Tương ớt Mường Khương để vị ngon này cứ lan tỏa mãi. 

Vị cay nồng của Tương ớt Mường Khương khiến món ăn thêm hấp dẫn

Hiện nay, món đặc sản lạp sườn vùng cao Tây Bắc ít nhiều đã được thương mại hóa do nhu cầu thị trường, không khó để tìm mua được ở các siêu thị, cửa hàng miền xuôi. Tuy nhiên, muốn thưởng thức được món ăn chuẩn vị nhất, hãy một lần đến với vùng cao Tây Bắc bạn nhé!


Tin liên quan

Từ khóa: lạp sườn hun khói, lạp xưởng, chẩm chéo, tương ớt mường khương

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận

TOP